Thời gian 4 tháng vừa qua trôi qua cứ như một giấc mơ. Mỗi ngày, ngoại trừ công việc ở trường và Acamedic English, mình lại còn phải dành ra ít nhất 1 tiếng (lúc gần thi thì nhiều hơn, haha) để ôn tập cho lớp giải phẫu của thầy Ernest Talarico Jr. Thầy Talarico không những là một người thầy đáng kính, mà còn là một người đồng nghiệp, và trên hết là một người bạn tốt của mình. Tuy nhiên, qua một lớp 4 tháng này, mình mới phát hiện ra câu “kiến thức như biển cả” thật sự không hề ngoa. Mình tự tin là một người đã có hiểu biết trước về giải phẫu, đã đọc rất nhiều sách từ Đông sang Tây, nhưng vào lớp của thầy, chợt cảm thấy mình nhỏ bé biết bao. Mình cứ ngỡ là mình biết về đám rối cánh tay trước khi được hỏi câu hỏi “hãy cho biết tên của thần kinh vận động cho cơ trám bé” (vẫn từ đám rối cánh tay mà ra nhé các bạn… banh não chưa?). Mình cứ ngỡ rằng kiến thức về giải phẫu bụng chậu của mình cũng không tệ, trước khi được hỏi câu “ung thư có thể di căn từ tuyến tiền liệt lên cột sống thắt lưng – cùng qua các hạch bạch huyết nào?”.

Chứng nhận của giảng viên Khoa Nguyễn Acamedic English
Mỗi lần thi, mình luôn có cảm giác là mình đang ở trên chiến trường, chiến đấu cật lực để dành được từng điểm một. Mỗi câu hỏi của thầy đều ở dưới dạng một clinical vignette (tình huống lâm sàng), tương tự như các kỳ thi Boards của Hoa Kỳ (tương tự như các dạng câu hỏi trong các quyển BRS, hoặc USMLE), tuy nhiên, mình có cảm giác là chúng phức tạp hơn rất nhiều. Các câu hỏi BRS thực ra mình đã từng sử dụng để giúp mình soạn đề thi, và thật sự chúng không đến nỗi quá khó. Nhưng vừa làm xong bài Exam 1 của thầy, mình đã xác định luôn là nếu không nghiêm túc nhiều khi sẽ rớt lớp mất. Sau khi xong lớp của thầy, mình luôn có cảm giác là vẫn chưa nắm hết hoàn toàn lượng kiến thức. Để có thể hoàn toàn làm chủ tất cả nội dung trong lớp này, mình nghĩ mình sẽ phải học mỗi ngày 1 tiếng trong vòng 2 năm tới.
Tuy nhiên, có một thứ cuối cùng đã cứu mình và giúp mình qua được tất cả các kỳ thi của thầy Talarico, và điều này càng làm mình thấm thía hơn về nhiệm vụ của nhóm Acamedic bọn mình. Đó chính là khả năng vận dụng tiếng Anh và tiếng Anh y khoa của mình. Mình có thể chắc chắn rằng: nếu không có một nền tảng tiếng Anh thông dụng và tiếng Anh y Khoa cực kỳ vững vàng, có lẽ sau ngày 1, dù mình có thích giải phẫu đến đâu chăng nữa, có lẽ cũng đã phải chào thua và rút khỏi lớp mất rồi! Mình cũng nhận ra được rằng: cho dù bạn có biết bao nhiêu từ vựng hay ho về tiếng Anh chuyên ngành đi nữa, khi học một khóa học như thế này, chắc chắn bạn sẽ phải kết hợp nhịp nhàng với tiếng Anh tổng quát. Chỉ như vậy ta mới có thể tiếp thu tất cả những gì mà người đối diện muốn nói, và truyền đạt ý của mình cho người ta một cách tốt nhất được.

Giảng viên Khoa Nguyên trong tiết giảng dạy tại trường
Lớp của thầy Talarico cũng đã làm mình suy nghĩ rất nhiều về cách tổ chức lớp A1 của mình trước đây. Tuy rằng mình luôn mong muốn các bạn làm bài tập đầy đủ để có thể tiến bộ hơn, nhiều khi mình đã quá tay khi cho các bạn quá nhiều thứ phải làm. Dù sao các bạn cũng đang là sinh viên Y Khoa, bận rộn đủ đường, làm được vài bài đã là cố sức quá rồi. Mình đã từng rất ức chế khi có bạn không làm bài tập đủ, nhưng sau lớp này, mình chợt thông cảm nhiều hơn với các bạn. Trong tương lai, có thể mình sẽ phải cải tiến khóa để hỗ trợ các bạn tốt hơn về khoản này mới được.
Ngoài ra, mình cũng đã suy nghĩ và nhận ra rằng, nhiều khi mình đã yêu cầu ở các bạn quá nhiều: đòi hỏi các bạn phải học được này nọ, phải đạt đến một level càng gần level của mình càng tốt. Thực sự ngày xưa, mình luôn nghĩ rằng: nếu khóa 4 tháng này không đưa các bạn lên đến một level tiệm cận mình, thì làm sao các bạn có thể sử dụng được những kiến thức đã học vào con đường học tập của các bạn đây? Sau khi học xong lớp của thầy Talarico, mình chợt nhận ra mình đã quá sai lầm! Nếu như mình cần thêm 2 năm nữa để thành thạo và hiểu rõ từng kiến thức trong lớp này, các bạn cũng sẽ phải cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để từ từ “tiêu hóa” các kiến thức trong lớp này và áp dụng chúng. Thay vì mong chờ rằng các bạn sẽ tiếp thu hết cái mớ kiến thức của mình, đáng lẽ mình nên động viên các bạn nhiều hơn, làm cho các bạn yêu thích việc học và tiếp tục học mỗi ngày sau khi lớp xong, thế mới phải đạo. Nghiệm ra được điều này thật quá quý giá đối với mình, và mình chắc chắn sẽ áp dụng nó trong các lớp học tương lai!
Chà, không ngờ nay cảm khái quá, viết ra được hết nhiêu đây. Thôi, tiếp tục học thôi!
Một chút cảm khái từ thầy Khoa Nguyen nhân ngày 20.11 – Ngày nhà giáo Việt Nam.